Long trọng kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng bộ Thị xã Bỉm Sơn (7/11/1977 - 7/11/2017)

Đăng lúc: 19:29:54 16/12/2017 (GMT+7)

Sáng 7/11, tại Trung tâm Hội nghị - Nhà văn hóa Thị xã, Ban chấp hành Đảng bộ Thị xã đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Đảng bộ Thị xã Bỉm Sơn (7/11/1977 - 7/11/2017).

Đến dự và chung vui với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã có các đồng chí: Lại Thế Nguyên - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; đại diện các Ban xây dựng đảng Tỉnh uỷ, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo các huyện, thành phố trong tỉnh; Tư lệnh, chỉ huy Quân đoàn I, đồn biên phòng Tam Chung.
Về phía Thị xã các đồng chí: Nguyễn Tiến Thuận - Bí thư thị uỷ, Chủ tịch HĐND Thị xã; các đồng chí Thường trực Thị ủy, HĐND, lãnh đạo UBND, Uỷ ban MTTQ Thị xã; Ủy viên BCH Đảng bộ Thị xã khóa X; lãnh đạo Thị xã qua các thời kỳ; các đồng chí cán bộ tiền khởi nghĩa, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trên địa bàn; Trưởng, phó các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể thị xã; đại diện các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn; Bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc Thị uỷ; lãnh đạo các xã, phường.
Diễn văn lễ kỷ niệm do đồng chí Nguyễn Tiến Thuận - Bí thư Thị uỷ, Chủ tịch HĐND Thị xã trình bày đã ôn lại chặng đường vẻ vang suốt 40 năm xây dựng và phát triển của đảng bộ thị xã Bỉm Sơn, trong đó nêu rõ: Ngay sau khi thành lập Thị trấn Bỉm Sơn, ngày 26/10/1977, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có Quyết định 1014-QĐ/TU về việc thành lập và chỉ định Ban chấp hành lâm thời thị Đảng bộ Bỉm Sơn. Ngay sau đó ngày 7/11/1977 Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức công bố Quyết định số 1014-QĐ/TU về việc thành lập và chỉ định BCH lâm thời Đảng bộ thị trấn Bỉm Sơn; kể từ đó ngày 7/11/1977 được lựa chọn là ngày thành lập Đảng bộ. Ngày đầu thành lập, Đảng bộ Thị xã Bỉm Sơn mới chỉ có 21 tổ chức cơ sở đảng, 50 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và 594 đảng viên, đến nay sau 40 năm, Đảng bộ Thị xã Bỉm Sơn đã không ngừng lớn mạnh với 43 tổ chức cơ sở đảng và hơn 4000 đảng viên đang sinh hoạt đảng ở hơn 200 chi bộ. Trong 40 năm xây dựng và trưởng thành, qua 10 kỳ Đại hội, Đảng bộ và nhân dân Bỉm Sơn luôn đoàn kết, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn xây dựng Bỉm Sơn từ một thị trấn nghèo với bao khó khăn, thiếu thốn, trở thành đô thị công nghiệp giàu đẹp, văn minh, để lại dấu ấn rõ nét trong từng giai đoạn phát triển.
Từ năm 1977 đến năm 1985 là giai đoạn với những khởi đầu xây dựng và phát triển Thị xã Bỉm Sơn. Vượt lên những khó khăn, thách thức ban đầu, với quyết tâm chính trị cao nhất, Đảng bộ Thị xã đã lãnh đạo nhanh chóng ổn định hệ thống chính trị; đẩy mạnh thi đua lao động, sản xuất, bảo đảm lương thực, thực phẩm phục vụ nhân dân trên địa bàn. Toàn đảng bộ và nhân dân địa phương cùng với cán bộ, công nhân, chuyên gia Liên Xô với quyết tâm cao, tất cả để sản phẩm xi măng ra lò và đúng ngày 7/11/1981 mẻ clinker đầu tiên được ra lò. Ngày 18/12/1981, Hội đồng Bộ trưởng Quyết định thành lập thị xã Bỉm Sơn trực thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Từ năm 1986 đến năm 1995, Đảng bộ Thị xã tập trung lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện đường lối đổi mới của ĐảngĐảng bộ Thị xã tập trung quán triệt, triển khai, thực hiện tốt 3 chương trình kinh tế lớn của Đảng; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu kinh tế Thị xã theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nông, lâm nghiệp; phát triển các thành phần kinh tế; thành lập thêm các công ty, xí nghiệp trên địa bàn để tạo ra sự phát triển tiếp nối cho thị xã Bỉm Sơn. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị; những tuyến đường chính của Thị xã được nhựa hóa, bê tông hóa; các trụ sở cơ quan, doanh nghiệp từng bước được đầu tư xây dựng đã tạo ra diện mạo mới cho đô thị Bỉm Sơn.
Từ năm 1996 đến năm 2005, Đảng bộ Thị xã tập trung đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập Quốc tế. Đảng bộ tiếp tục hoàn thiện cơ cấu kinh tế của Thị xã; tập trung nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, mở mang thêm những ngành nghề mới. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên hình thành khu công nghiệp Thị xã tập trung có tính chất đột phá mở đường cho sự phát triển Bỉm Sơn.
Đặc biệt, từ năm 2005 đến năm 2017, là chặng đường thị xã Bỉm Sơn phát triển nhanh và bền vững, trở thành hạt nhân vùng kinh tế động lực phía Bắc của tỉnh và đô thị loại III trực thuộc tỉnh Thanh Hóa. Giai đoạn này, Đảng bộ thị xã Bỉm Sơn tập trung lãnh đạo, đề ra nhiều giải pháp, quyết liệt trong tổ chức thực hiện; nhiều chương trình hành động, nhiều khâu đột phá được xác định trong mỗi nhiệm kỳ Đại hội; Thị xã đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; thu hút nhiều doanh nghiệp vào sản xuất trên địa bàn tiêu biểu như nhà máy ô tô VEAM; nhà máy xi măng Long Sơn... Đặc biệt trong thời gian này, một số công trình văn hóa quan trọng và các công trình tiện ích công cộng được Thị xã quan tâm đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, như : Trung tâm Hội nghị - Nhà văn hóa Thị xã, Trung tâm Văn hóa - Thể thao Phục Hưng và một số nhà văn hóa tại các phường, xã. Đây cũng là giai đoạn Thị xã phát triển nhiều khu dân cư đô thị mới, như: khu dân cư Nam Trần phú, Nam Tiểu học Ba Đình, Bắc Phan Bội Châu, Bắc đường Lương Đình Của, Tây Nguyễn Đức Cảnh... Các trường học, bệnh viện, trạm y tế xã phường được quan tâm đầu tư... tạo nên diện mạo mới đô thị Bỉm Sơn. Năm 2015, Bỉm Sơn được Bộ Xây dựng Công nhận là đô thị loại 3.
Ghi nhận những thành tích đó, trong 40 năm qua cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thị xã được Đảng, Nhà nước, chính phủ, các bộ ngành trung ương, được Tỉnh ủy, UBND Tỉnh tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý như: Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương độc lập, Huân chương lao động, danh hiệu tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, Cờ thi đua, Bằng khen và nhiều phần thưởng khác.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lại Thế Nguyên – Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chúc mừng và biểu dương những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã đã đạt được trong 40 năm xây dựng và trưởng thành. Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thị xã tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm. Một là: Tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị; khuyến khích mọi thành phần kinh tế, phát triển sản xuất kinh doanh; huy động mọi nguồn lực xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng đô thị. Hai là: Phải coi phát triển công nghiệp - xây dựng gắn với Thương mại dịch vụ là nhiệm vụ hàng đầu; Thị xã tăng cường phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế Nghi Sơn và các khu Công nghiệp đầu tư hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp Bỉm Sơn nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn; tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ. Ba là: Chăm lo phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân; bảo tồn và phát huy giá trị các di tích- danh thắng trên địa bàn; đẩy mạnh thực hiện Đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Bốn là: Tăng cường đảm bảo an ninh chính trị - Trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Năm là: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất cao trong Đảng bộ và nhân dân; Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...góp phần xây dựng thị xã Bỉm Sơn sớm trở thành Thành phố trực Thuộc Tỉnh.
Nhân dịp này, thay mặt BCH đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Lại Thế Nguyên đã trao tặng cho Đảng bộ và nhân dân Thị xã Bỉm Sơn bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, xây dựng Bỉm Sơn trở thành thành phố trực thuộc Tỉnh”. 
Một số hình ảnh tại Lễ kỷ niệm:
 
 
 
 
 
 
 
 
                                                                                                        Phạm Thúy